Thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô: 75% hay 150%?

14/03/2024

Tăng thuế mạnh với xe sang

Ở phương án 1 do Bộ Tài chính đề xuất, mọi loại xe dung tích trên 3.0 lít sẽ được áp dụng một mức thuế thống nhất theo lộ trình: Từ 1/7/2016, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng mức 75%, tăng 15 điểm phần trăm so với hiện hành; từ ngày 1/1/2018, chịu thuế 70%, giảm 5 điểm phần trăm so với khoảng thời gian 1,5 năm trước và tăng 10 điểm phần trăm so với hiện nay.

Ở phương án 2 theo đề xuất của Bộ Công Thương, các dòng xe có dung tích trên 3.0 lít trở lên này sẽ được chia nhỏ dung tích hơn nữa, với mỗi loại xe cách nhau 1.0 lít và áp dụng biểu thuế suất cao nhất từ trước tới nay, thay vì hiện nay chỉ áp một mức thuế chung là 60%.

Cụ thể, xe có dung tích từ 3.0 lít đến 4.0 lít, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ áp dụng mức 90%, tăng 30 điểm phần trăm so với hiện hành. Xe có dung tích từ 4.0 lít đến 5.0 lít sẽ chịu thuế suất là 110%, tăng 50 điểm phần trăm so với hiện hành. Và xe có dung tích từ 5.0 lít cho 6.0 lít chịu thuế suất là 130%, tăng 70 điểm phần trăm.

Và với xe ô tô có dung tích từ 6.0 lít trở lên, mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 150%, tăng 90 điểm phần trăm, nghĩa là gấp 2,5 lần so với mức thuế hiện nay. Thời gian mà Bộ Công Thương đề xuất áp dụng thống nhất là từ ngày 1/7/2016, không thay đổi trong giai đoạn ngắn.

Đây là mức đề xuất cao kỷ lục từ trước đến nay áp với mặt hàng ô tô, bởi lẽ mức thuế cao nhất áp cho mặt hàng này được ghi nhận là 100% dành cho xe ô tô dưới 5 chỗ ngồi chở người (áp dụng trong giai đoạn 1999-2003 theo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt ban hành năm 1998).

Việc đề xuất mức thuế này cho thấy Bộ Công Thương tiếp tục giữ quan điểm tăng mạnh thuế TTĐB đối với ô tô sang và giảm thuế xuống thấp cho xe nhỏ khi soạn thảo dự thảo quyết định của Thủ tướng về chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô. Khi đó, mức đề xuất xe sang có dung tích trên 6.0 lít được bộ này đưa ra lên đến 195%, gấp 3,25 lần so với hiện hành, đã bị không ít người tiêu dùng và nhà nhập khẩu xe sang quyết liệt phản đối.